Quy chế đào tạo trình độ đại học (áp dụng cho Khóa tuyển sinh từ năm 2021 trở đi) của Trường Đại học Ngoại thương

0
10

Điều 8. Chương trình đào tạo

  1. Chương trình đào tạo là một hệ thống các hoạt động giáo dục, đào tạo được thiết kế và tổ chức thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đào tạo, hướng tới cấp một văn bằng giáo dục đại học cho sinh viên. Chương trình đào tạo bao gồm mục tiêu, khối lượng kiến thức, cấu trúc, nội dung, phương pháp và hình thức đánh giá đối với học phần, ngành học, trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Chương trình đào tạo được xây dựng theo đơn vị tín chỉ, cấu trúc từ các học phần và phải xác định rõ tổng số tín chỉ cần tích lũy để hoàn thành chương trình đào tạo.

  1. Trong trường hợp đào tạo song ngành hoặc ngành chính – ngành phụ, chương trình đào tạo phải thể hiện rõ khối lượng học tập chung và riêng theo từng ngành. Khối lượng học tập tối thiểu đối với các chương trình đào tạo song ngành phải cộng thêm tối thiểu 30 tín chỉ, đối với chương trình đào tạo ngành chính – ngành phụ phải cộng thêm tối thiểu 15 tín chỉ so với khối lượng tối thiểu của chương trình đào tạo đơn ngành tương ứng.
  2. Nội dung, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo áp dụng chung đối với các hình thức, phương thức tổ chức đào tạo và đối tượng sinh viên khác nhau.
  3. Chương trình đào tạo được Hiệu trưởng ký quyết định ban hành trên cơ sở ý kiến thông qua của Hội đồng khoa học và đào tạo.
  4. Chương trình đào tạo phải được công khai đối với sinh viên trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho sinh viên.

Điều 9. Nguyên tắc xây dựng chương trình đào tạo

Việc xây dựng chương trình phải đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đảm bảo 3 nguyên tắc:

  1. a) Nguyên tắc “Căn bản” yêu cầu chương trình phải đảm bảo nội dung kiến thức và kỹ năng chuyên môn mang tính nền tảng, cốt yếu của ngành.
  2. b) Nguyên tắc “Mở” yêu cầu chương trình đảm bảo tính liên thông, kết nối giữa các trình độ đào tạo và với các chương trình đào tạo khác trong và ngoài nước.
  3. c) Nguyên tắc “Linh hoạt” yêu cầu chương trình cho phép người học có cơ hội lựa chọn về nội dung (các học phần, khối kiến thức chuyên sâu,…) và tiến độ học tập, phù hợp với nhu cầu, năng lực của người học và sự thay đổi của bối cảnh kinh tế – xã hội.

Điều 10. Các loại chương trình đào tạo

Một chương trình đào tạo có thể được tổ chức theo một trong các loại hình sau đây: 

  1. Chương trình tiêu chuẩn: là chương trình được xây dựng trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn, trong đó ngôn ngữ giảng dạy chính là tiếng Việt.
  2. Chương trình chất lượng cao: là chương trình được xây dựng trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng cao hơn chương trình tiêu chuẩn, trong đó ngôn ngữ giảng dạy chính của các học phần chuyên ngành là ngoại ngữ.
  3. Chương trình tiên tiến: là chương trình được xây dựng trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng theo chuẩn quốc tế, trong đó, ngôn ngữ giảng dạy chính là ngoại ngữ; có sự tham gia của đối tác nước ngoài có uy tín trong xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình.
  4. Chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế: là chương trình được xây dựng trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng cao, dựa theo định hướng nghề nghiệp quốc tế, chuẩn đầu ra đạt chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực nghề nghiệp chuyên sâu cụ thể, hoặc có các mô hình tổ chức đào tạo đặc thù khác.