Quy chế đào tạo trình độ đại học (áp dụng cho Khóa tuyển sinh từ năm 2021 trở đi) của Trường Đại học Ngoại thương

0
12

Điều 47. Nghỉ học đột xuất, nghỉ học tạm thời và thôi học

1 Nghỉ học đột xuất là việc sinh viên nghỉ học do ốm, tai nạn hoặc lý do đặc biệt khác trong quá trình học hoặc trong đợt thi.

Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nghỉ đột xuất, sinh viên phải viết đơn xin phép kèm theo xác nhận của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền gửi đơn vị quản lý đào tạo;  trường hợp vì lý do đặc biệt không thể nộp đơn trực tiếp thì sinh viên phải gửi đơn kèm hình ảnh chụp minh chứng về việc không thể trực tiếp nộp đơn thông qua tài khoản email do Trường cấp tới đơn vị quản lý đào tạo và tới giáo viên chủ nhiệm/cố vấn học tập. Trường sẽ căn cứ tình hình thực tế để giải quyết từng trường hợp cụ thể. Sinh viên phải nộp bản cứng đơn xin phép và minh chứng cho đơn vị quản lý đào tạo ngay khi có thể đến trường.

2. Nghỉ học tạm thời và bảo lưu: là việc sinh viên tạm dừng việc học tập và bảo lưu kết quả học tập. Sinh viên được nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả đã học trong các trường hợp sau:

a) Được điều động vào lực lượng vũ trang;

b) Được cơ quan có thẩm quyền điều động;

c) Bị ốm, thai sản hoặc tai nạn phải điều trị trong thời gian dài có chứng nhận của cơ sở y tế cấp quận, huyện trở lên;

d) Vì nhu cầu cá nhân, trong trường hợp này sinh viên đã phải học tối thiểu 01 học kỳ ở cơ sở đào tạo, không thuộc các trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỷ luật được quy định tại Điều 56 của Quy chế này và phải đạt điểm trung bình chung tích lũy không dưới 2,00. Thời gian nghỉ học tạm thời vì nhu cầu cá nhân được tính vào thời gian học chính thức quy định tại Điều 14 của Quy chế này.

2. Thủ tục nghỉ học tạm thời, thôi học và tiếp tục học sau thời gian nghỉ học tạm thời

a) Sinh viên nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả học tập nộp đơn và Phiếu xác nhận của các bên liên quan (GVCN/CVHT, Phòng/Ban KHTC, Thư viện) theo mẫu (do các đơn vị quản lý đào tạo ban hành) cho đơn vị quản lý đào tạo chậm nhất trong vòng 2 tuần trước khi học kỳ mới bắt đầu. Nếu quá thời hạn trên, SV phải có nghĩa vụ đóng học phí và nhận điểm theo thực tế các học phần đã đăng ký trong học kỳ (trừ trường hợp bị ốm và tai nạn bất ngờ).

b) Sinh viên thuộc diện nghỉ học tạm thời muốn quay trở lại học phải nộp đơn xin tiếp tục học tập theo mẫu (do các đơn vị quản lý đào tạo ban hành) kèm theo Quyết định cho nghỉ học tạm thời về đơn vị quản lý đào tạo chậm nhất 02 tuần trước khi kỳ học mới bắt đầu.

c) Sinh viên xin thôi học vì lý do cá nhân, trừ trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỷ luật nộp đơn xin thôi học theo mẫu (do các đơn vị quản lý đào tạo ban hành) cho đơn vị quản lý đào tạo chậm nhất 2 tuần sau khi học kỳ mới bắt đầu. Trường hợp sinh viên nộp sau thời hạn trên sẽ phải hoàn thành nghĩa vụ đóng học phí cho các học phần đã đăng ký trong học kỳ. Sinh viên đã có quyết định thôi học vì lý do cá nhân muốn quay trở lại học phải dự tuyển đầu vào như những thí sinh khác.

3. Nghỉ học tạm thời và bảo lưu không áp dụng đối với sinh viên đã quá thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa.

Điều 48. Học cùng lúc hai chương trình

1. Sinh viên học cùng lúc hai chương trình là sinh viên có nhu cầu đăng ký học thêm một chương trình đào tạo thứ hai tại trường đang học để khi tốt nghiệp được cấp hai văn bằng.

2. Điều kiện để học cùng lúc hai chương trình:

a) Ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác ngành đào tạo chính ở chương trình thứ nhất;

b) Được xếp trình độ năm thứ hai của chương trình đào tạo thứ nhất;

c) Điểm trung bình tích lũy từ 2,50 trở lên và đáp ứng ngưỡng đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo thứ hai trong năm tuyển sinh hoặc học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại trung bình và đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

3. Trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình tích luỹ của chương trình thứ nhất đạt dưới điểm trung bình hoặc thuộc diện cảnh báo kết quả học tập thì phải dừng học chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo; sinh viên sẽ bị loại khỏi danh sách đã đăng ký học chương trình thứ hai.

4. Thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên đăng ký học đồng thời 2 chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất được quy định tại Điều 14 của Quy định này. Khi học chương trình thứ hai sinh viên được công nhận điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất.

5. Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất và đã đăng ký muộn nhất 02 năm trước thời điểm xét tốt nghiệp chương trình thứ hai.

6. Sinh viên có nhu cầu theo học chương trình đào tạo thứ hai thì làm đơn theo mẫu quy định gửi đơn vị quản lý đào tạo. Đơn vị quản lý đào tạo căn cứ vào các quy định trong mục 2 điều này để trình Hiệu trưởng phê duyệt và ký quyết định biên chế sinh viên vào chương trình đào tạo thứ hai và quản lý sinh viên trong quá trình học tập chương trình đào tạo thứ hai phù hợp với quy định của mục 3, mục 4 và mục 5 của điều này.

Điều 49. Chuyển nơi học, chuyển chương trình và chuyển hình thức đào tạo

1. Sinh viên được xem xét chuyển từ một cơ sở/phân hiệu khác về trụ sở chính, từ trụ sở chính sang các cơ sở/phân hiệu khác của cơ sở đào tạo khi đủ các điều kiện sau:

a) Không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định tại Điều 14 Quy chế này.

b) Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, của nơi chuyển đến trong cùng khóa tuyển sinh;

c) Nơi chuyển đến có đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

d) Được sự đồng ý của các Khoa/Viện/Bộ môn chuyên môn của các cơ sở phụ trách chương trình đào tạo, Giám đốc Cơ sở và được Hiệu trưởng ra quyết định về việc chuyển nơi học, chương trình đào tạo.

2. Sinh viên được xem xét chuyển giữa các chương trình tiêu chuẩn, chương trình tiên tiến, chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp quốc tế khi đáp ứng điều kiện xét tuyển của các chương trình.

3. Chuyển từ chương trình tiên tiến/chất lượng cao sang chương trình trúng tuyển ban đầu:

a) Sinh viên chỉ được chuyển từ chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao về chương trình trúng tuyển ban đầu (trước khi được xét tuyển vào chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao);

b) Sinh viên được công nhận kết quả học tập và chuyển điểm đối với các học phần tương đương trong chương trình mới. Đối với các học phần đã học nhưng không có trong chương trình sinh viên trúng tuyển ban đầu thì Trường sẽ cấp bảng điểm/giấy xác nhận việc đã hoàn thành học phần (nếu sinh viên có nhu cầu).

4. Sinh viên được xem xét chuyển từ đào tạo theo hình thức chính quy sang hình thức vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa của trường nếu còn đủ thời gian học tập theo quy định tại Điều 14 của Quy chế này (đối với hình thức chuyển đến).

Điều 50. Thủ tục chuyển nơi học, chuyển chương trình và chuyển hình thức học

1. Chuyển nơi học

a) Chậm nhất 2 tuần trước khi học kỳ mới bắt đầu, sinh viên làm đơn theo mẫu của Trường gửi đơn vị quản lý đào tạo.

b) Đơn vị quản lý đào tạo xác nhận sinh viên đủ điều kiện và trình Hiệu trưởng/Giám đốc cơ sở phê duyệt.

c) Phòng Quản lý đào tạo trình Hiệu trưởng ký quyết định và chuyển các Cơ sở/Khoa/Viện tiếp nhận sinh viên.

2. Sinh viên sau khi trúng tuyển vào các chương trình tiêu chuẩn có thể đăng ký xét tuyển sang chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế nếu đáp ứng các điều kiện xét tuyển theo thông báo tuyển sinh các chương trình này hàng năm.

3. Chuyển từ chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao, chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế sang chương trình trúng tuyển ban đầu

a) Chậm nhất 2 tuần trước khi học kỳ mới bắt đầu, sinh viên làm đơn theo mẫu và nộp cho đơn vị quản lý đào tạo.

b) Đơn vị quản lý đào tạo xác nhận sinh viên đủ điều kiện để chuyển chương trình.

c) Đơn vị quản lý đào tạo trình Hiệu trưởng phê duyệt và ra quyết định cho sinh viên chuyển sang chương trình sinh viên đã trúng tuyển ban đầu;

4. Chuyển hình thức học

a) Chậm nhất 2 tuần trước khi học kỳ mới bắt đầu, sinh viên đáp ứng các điều kiện làm đơn theo mẫu của Trường kèm theo hồ sơ theo quy định gửi đơn vị QLĐT.

b) Đơn vị QLĐT làm tờ trình trình Hiệu trưởng phê duyệt, ra quyết định cho phép sinh viên chuyển hình thức học

Điều 51. Chuyển trường

1. Sinh viên được xem xét chuyển trường khi có đủ các điều kiện sau:

a) Không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học, không đang chịu mức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên và còn đủ thời gian học tập theo quy định tại Điều 14 của Quy chế này;

b) Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo cùng khóa tuyển sinh tại nơi chuyển đến;

c) Nơi chuyển đến có đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

d) Được sự đồng ý của hiệu trưởng trường xin chuyển đi và trường xin chuyển đến.

2. Thủ tục chuyển trường

a) Sinh viên làm đơn xin chuyển trường theo mẫu quy định, giấy xác nhận của các bên liên quan kèm theo hồ sơ theo quy định thống nhất của Bộ giáo dục và Đào tạo gửi đơn vị quản lý đào tạo;

b) Đơn vị quản lý đào tạo trình Hiệu trưởng xem xét ra quyết định đồng ý cho sinh viên được chuyển trường (đối với sinh viên chuyển đi) hoặc tiếp nhận sinh viên (đối với sinh viên chuyển đến). Việc xét công nhận kết quả học tập và chuyển điểm đối với các học phần tương đương được thực hiện theo quy định của Quy chế này.