Quy chế đào tạo trình độ đại học (áp dụng cho Khóa tuyển sinh từ năm 2021 trở đi) của Trường Đại học Ngoại thương

0
12

Điều 38. Học phần tốt nghiệp

  1. Học phần tốt nghiệp là học phần trong đó sinh viên tham gia, hoàn thiện một hoặc một số học phần với thời lượng tương ứng với khối lượng 9 tín chỉ thuộc chương trình đào tạo để hoàn thành nội dung yêu cầu, kết thúc quá trình đào tạo của chuyên ngành học để được xét cấp bằng tốt nghiệp của chuyên ngành đó.
  2. Khóa luận tốt nghiệp là một hình thức của học phần tốt nghiệp trong đó sinh viên thực hiện nghiên cứu một vấn đề khoa học cụ thể liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo, phân tích, tìm hướng giải quyết vấn đề còn tồn tại, phát huy thế mạnh hoặc hướng đề xuất mới cho vấn đề đó một cách tương đối trọn vẹn, trình bày thành một công trình nghiên cứu cá nhân, có khối lượng kiến thức là 9 tín chỉ với sự hướng dẫn của một hoặc một nhóm người hướng dẫn khoa học. Trong quá trình thực hiện khóa luận tốt nghiệp, sinh viên thực hiện nội dung thực tập, thực tế tại các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức theo quy định cụ thể tại đề cương chi tiết học phần.
  3. Các hình thức khác của học phần tốt nghiệp được quy định cụ thể tại từng chương trình.

Điều 39. Điều kiện thực hiện học phần tốt nghiệp

Tại thời điểm công bố danh sách chính thức làm học phần tốt nghiệp, sinh viên cần đáp ứng các điều kiện sau:

a) Không bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập trở lên;

b) Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Còn thiếu không quá 06 tín chỉ cần tích lũy theo khối lượng kiến thức tối thiểu thuộc các nhóm học phần quy định trong CTĐT (trừ HPTN và các học phần Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng), và sinh viên đã tích lũy học phần Thực tập giữa khóa;

d) Điểm trung bình chung tích lũy đạt từ loại trung bình trở lên;

e) Không vi phạm nghĩa vụ nộp học phí;

g) Các điều kiện cụ thể khác tùy thuộc vào hình thức của học phần tốt nghiệp, quy định của chương trình đào tạo và đề cương chi tiết học phần.

Điều 40. Tổ chức thực hiện học phần tốt nghiệp

  1. Học phần tốt nghiệp được thực hiện 02 đợt chính trong một năm. Trong trường hợp cần thiết, Các đơn vị quản lý đào tạo đề xuất các đợt bổ sung, trình Hiệu trưởng phê duyệt.
  2. Thời gian cho mỗi đợt thực hiện học phần tốt nghiệp (kể từ thời điểm sinh viên được quyết định giao giảng viên hướng dẫn cho đến khi nộp bài) tối thiểu là 13 tuần.
  3. Tổ chức thực hiện

– Chậm nhất 01 tháng trước mỗi đợt thực hiện, các Cơ sở/Viện/Khoa chuyên môn gửi thông báo về cách thức đăng ký đề tài và duyệt đề tài cụ thể tới sinh viên;

– Danh sách sinh viên viết KLTN (dự kiến) do các đơn vị QLĐT công bố trước mỗi đợt thực hiện ít nhất 03 tuần;

– Danh sách sinh viên viết KLTN (chính thức) do các đơn vị QLĐT công bố trước khi bắt đầu thời gian viết KLTN chính thức theo kế hoạch 01 tuần.

– Các Cơ sở/Viện/Khoa chuyên môn chịu trách nhiệm phân công giáo viên hướng dẫn sinh viên làm KLTN. Giáo viên hướng dẫn có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn sinh viên trong suốt quá trình làm KLTN, bao gồm cả thời gian thực tập, thực tế, đồng thời là đầu mối liên hệ giữa Trường và đơn vị thực tập, thực tế trong quá trình làm khóa luận;

– Thời lượng tối thiểu mà sinh viên phải có mặt tại đơn vị thực tập, thực tế là 100 giờ làm việc. Khóa luận phải đính kèm với Bản nhận xét thực tập (theo mẫu của Trường) của đơn vị mà sinh viên đến thực tập, thực tế;

– Đối với chuyên ngành thứ 2 mà sinh viên đang học theo hình thức đào tạo song bằng chính quy, trong thời gian đang thực hiện học phần tốt nghiệp của chuyên ngành chính, sinh viên chỉ được đăng ký tối đa thêm 15 tín chỉ của chuyên ngành đào tạo thứ 2. Sinh viên không được đăng ký thực hiện học phần tốt nghiệp cùng một lúc cho cả 2 chuyên ngành bao gồm chuyên ngành chính và chuyên ngành đào tạo thứ 2.

Điều 41. Đánh giá khóa luận tốt nghiệp

1. Cách thức đánh giá khóa luận tốt nghiệp được quy định cụ thể tại đề cương chi tiết học phần, được thực hiện bằng một trong hai hình thức sau:

a) Thực hiện bởi một hội đồng đánh giá, cụ thể:

– Hội đồng đánh giá gồm 3 thành viên, trong đó có 1 chủ tịch, 1 phản biện và 1 thư ký. Hội đồng do Cơ sở/Viện/Khoa/Bộ môn đề xuất gửi đơn vị quản lý đào tạo và Hiệu trưởng ra quyết định thành lập, trừ các trường hợp phân cấp theo quy định.

– Người hướng dẫn khoa học trực tiếp của KLTN không tham gia hội đồng đánh giá cho KLTN đó.

b) Thực hiện bởi hình thức chấm, cụ thể:

– Khóa luận tốt nghiệp được chấm điểm bởi hai giảng viên. Danh sách giảng viên chấm khóa luận tốt nghiệp do Cơ sở/Viện/Khoa/Bộ môn đề xuất gửi đơn vị quản lý đào tạo và Hiệu trưởng ra quyết định, trừ các trường hợp phân cấp theo quy định.

– Người hướng dẫn khoa học trực tiếp của KLTN không tham gia chấm và cho điểm chuyên môn cho KLTN đó.

c) Trong trường hợp đặc biệt, Hiệu trưởng quyết định hình thức đánh giá thay thế cho từng trường hợp cụ thể.

2. Điểm của KLTN gồm 2 thành phần có trọng số cụ thể như sau:

a) Điểm chuyên cần: do Người hướng dẫn khoa học trực tiếp chấm, dựa trên toàn bộ quá trình làm việc của sinh viên dưới sự hướng dẫn của Người hướng dẫn khoa học, có trọng số 10% tổng điểm chung học phần.

b) Điểm chuyên môn: do Hội đồng chấm trên cơ sở Bản chính của KLTN và nội dung mà sinh viên trình bày tại Hội đồng. Trọng số điểm chuyên môn là 90% tổng điểm chung học phần.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Hiệu trưởng ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định KLTN và chỉ định chấm thẩm định tối đa không quá 10% tổng số KLTN đã được sinh viên thực hiện trong một đợt làm học phần tốt nghiệp.

3. Công bố kết quả

– Điểm của KLTN được Chủ tịch hội đồng công bố cho sinh viên ngay sau khi Hội đồng tổng hợp ý kiến của các thành viên tại Hội đồng;

– Kết quả chấm KLTN phải được công bố và cập nhật vào Phần mềm quản lý giảng dạy và học tập chậm nhất là 03 (ba) tuần, kể từ ngày chấm.

– KLTN được chấm theo thang điểm 10 và quy đổi thành điểm chữ theo quy định tại Điều 28 của Quy chế này;

– Điểm KLTN được tính vào điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học của sinh viên;

4. Điều kiện đối với giảng viên tham gia Hội đồng đánh giá khóa luận tốt nghiệp:

– Có trình độ từ thạc sỹ trở lên

– Không trong thời gian tập sự

– Không trong thời gian thi hành kỷ luật

– Có chuyên môn/kinh nghiệm phù hợp với đề tài cần đánh giá

Đối với thành viên tham gia hội đồng từ bên ngoài Trường thì không bị ràng buộc bởi các điều kiện trên nhưng phải có kinh nghiệm phù hợp với đề tài cần đánh giá.

Hiệu trưởng ra quyết định về danh sách giảng viên chấm Khóa luận tốt nghiệp, quyết định thành lập Hội đồng chấm KLTN của từng Viện/Khoa theo đề nghị của Viện/Khoa chuyên môn.

Hiệu trưởng phân cấp cho giám đốc Cơ sở II – Tp.HCM ra quyết định về danh sách giảng viên chấm Khóa luận tốt nghiệp, quyết định thành lập Hội đồng chấm KLTN.

Điều 42. Tra soát, lưu trữ Khóa luận, Chuyên đề cuối khóa

  1. Toàn bộ khóa luận tốt nghiệp, chuyên đề cuối khóa của sinh viên phải nộp, lưu trữ theo Quy định tại Thư viện.
  2. Các khóa luận tốt nghiệp, chuyên đề cuối khóa từ 8.0 điểm trở lên được đưa vào hệ thống tra cứu tài liệu số hóa và phục vụ bản cứng tại Thư viện của Trường.
  3. Việc tổ chức lưu trữ do Thư viện chủ trì và các Cơ sở/Viện/ Khoa phối hợp triển khai thực hiện. Các khóa luận tốt nghiệp, chuyên đề cuối khóa của sinh viên phải hoàn thiện nộp cả bản cứng và bản mềm để lưu trữ theo Quy định của Thư viện không muộn hơn 3 tuần kể từ ngày kết thúc đợt thực hiện học phần tốt nghiệp.

Điều 43. Công nhận điểm Học phần tốt nghiệp đối với sinh viên đi học chuyển tiếp

  1. Sinh viên tích lũy được một hoặc một số học phần có nội dung chuyên sâu, chuyên ngành, đáp ứng được yêu cầu về nội dung chuyên môn và hình thức học tập, đánh giá của Học phần tốt nghiệp trong thời gian Trường cho phép đi học chuyển tiếp ở nước ngoài, tại các trường đối tác có thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Ngoại thương, được xem xét công nhận điểm tương đương với học phần tốt nghiệp.
  2. Hội đồng xét công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ xem xét, công nhận chuyển điểm tương đương thành Học phần tốt nghiệp.

Điều 44. Điều kiện xét tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp

Những sinh viên có đủ các điều kiện sau thì được Trường xét và công nhận tốt nghiệp:

a) Cho đến thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập;

b) Tích lũy đủ số tín chỉ quy định cho chương trình đào tạo;

c) Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học đạt từ 2,00 (ở thang điểm 4) trở lên;

d) Nộp học phí đầy đủ và hoàn thành các nghĩa vụ khác với Trường;

e) Thỏa mãn một số yêu cầu về kết quả học hoặc có đầy đủ các chứng chỉ, chứng nhận đáp ứng chuẩn đầu ra của chuyên ngành đào tạo do Hiệu trưởng quy định (nếu có);

g) Có các chứng chỉ giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất đối với sinh viên học ở hệ đào tạo chính quy (trừ lưu học sinh và sinh viên thuộc các diện đặc biệt khác);

h) Có điểm tổng kết rèn luyện toàn khóa (không áp dụng đối với sinh viên hình thức vừa làm vừa học);

Đơn vị quản lý đào tạo thông báo tới sinh viên về danh sách sinh viên đủ điều kiện xét tốt nghiệp và kế hoạch dự kiến xét tốt nghiệp. Sinh viên phải có ý kiến phản hồi trong vòng 1 tuần kể từ ngày thông báo. Trường hợp sinh viên mong muốn chuyển xét tốt nghiệp sang đợt tiếp theo phải có đơn gửi đơn vị quản lý đào tạo để xem xét.

Những sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp được Hiệu trưởng ra quyết định công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp trong thời hạn 03 tháng (tính từ thời điểm sinh viên đáp ứng đầy đủ điều kiện tốt nghiệp).

Điều 45. Kỳ xét tốt nghiệp, Hội đồng xét tốt nghiệp và Bộ hồ sơ xét tốt nghiệp

1. Hàng năm Trường xét tốt nghiệp 2 đợt chính vào tháng 1 và tháng 7 và thực hiện các đợt xét tốt nghiệp bổ sung trên cơ sở đề xuất của các đơn vị quản lý đào tạo.

2 Hội đồng xét tốt nghiệp

Hiệu trưởng ra quyết định thành lập Hội đồng xét tốt nghiệp hàng năm. Hội đồng xét tốt nghiệp do Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng được Hiệu trưởng ủy quyền làm Chủ tịch, trưởng đơn vị quản lý đào tạo làm Thư ký và có các thành viên là Giám đốc các cơ sở, các Trưởng khoa chuyên môn, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên, Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, Trưởng phòng Thanh tra-Pháp chế và các thành viên khác.

Sau mỗi đợt xét tốt nghiệp, Hội đồng xét tốt nghiệp căn cứ các điều kiện công nhận tốt nghiệp quy định tại Điều 44 của Quy chế này để lập danh sách những sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp trình Hiệu trưởng ra Quyết định công nhận tốt nghiệp.

3. Bộ hồ sơ xét tốt nghiệp

a) Bộ hồ sơ xét tốt nghiệp là tài liệu lưu hành nội bộ, do Thư ký Hội đồng xét tốt nghiệp chuẩn bị và chuyển cho các thành viên của Hội đồng. Bộ hồ sơ xét tốt nghiệp bao gồm danh sách sinh viên dự kiến đủ điều kiện xem xét tốt nghiệp trong đợt xét tốt nghiệp, bảng tổng hợp số liệu sinh viên được xem xét tốt nghiệp và Báo cáo phân tích, đánh giá kết quả xét tốt nghiệp (nếu có).

Bộ hồ sơ có thể là hồ sơ bản cứng hoặc hồ sơ ở dạng số hóa, phải được chuyển cho các thành viên Hội đồng chậm nhất 3 ngày trước khi họp, xem xét hồ sơ tốt nghiệp tại Hội đồng.

b) Các thành viên của Hội đồng có trách nhiệm xem xét bộ hồ sơ xét tốt nghiệp, chịu trách nhiệm về việc bảo mật thông tin của sinh viên được xét tốt nghiệp và có quyền được yêu cầu Thư ký hội đồng kiểm tra tình trạng của một hoặc một số sinh viên được xét tốt nghiệp trước, trong và sau khi họp xét tốt nghiệp tại Hội đồng.

c) Bộ hồ sơ xét tốt nghiệp được lưu vĩnh viễn tại các đơn vị Quản lý đào tạo và các Viện/Khoa chuyên môn, phục vụ quá trình thanh, kiểm tra theo quy định.

Điều 46. Cấp bằng tốt nghiệp, cấp chứng nhận học phần

1. Bằng tốt nghiệp đại học được cấp theo ngành đào tạo chính (đơn ngành hoặc song ngành).

Hạng tốt nghiệp được xác định theo điểm trung bình chung tích lũy ở thang điểm 4 của toàn khóa học như sau:

a) Loại xuất sắc: Đạt điểm trung bình chung tích lũy từ 3,60 đến 4,0;

b) Loại giỏi: Đạt điểm trung bình chung tích lũy từ 3,20 đến 3,59;

c) Loại khá: Đạt điểm trung bình chung tích lũy từ 2,50 đến 3,19;

d) Loại trung bình khá: Đạt điểm trung bình chung tích lũy từ 2,20 đến 2,49;

e) Loại trung bình: Đạt điểm trung bình chung tích lũy từ 2,00 đến 2,19.

2. Hạng tốt nghiệp của những sinh viên có kết quả học tập toàn khóa loại xuất sắc và giỏi sẽ bị giảm đi một mức, nếu bị rơi vào một trong các trường hợp sau:

a) Có khối lượng của các học phần phải học lại vượt quá 5% so với tổng số tín chỉ quy định cho toàn chương trình đào tạo, bao gồm cả các học phần thuộc nhóm tự chọn bị điểm F đã được học thay thế bằng 1 học phần khác cùng nhóm tự chọn đó hoặc là điểm của KLTN, CĐCK.

b) Đã bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong thời gian học.

3. Kết quả học tập toàn khóa của sinh viên phải được ghi vào Phụ lục văn bằng tốt nghiệp của sinh viên theo từng học phần với điểm học phần lần 1 và điểm học phần cao nhất (nếu có), điểm trung bình chung toàn khóa và xếp loại tốt nghiệp.

4. Nếu kết quả học tập của sinh viên thỏa mãn những quy định ở Điều 48 của Quy chế này đối với một số chương trình tương ứng với các ngành đào tạo khác nhau, thì sinh viên được cấp các bằng tốt nghiệp khác nhau theo các ngành đào tạo đó.

5. Những sinh viên còn nợ chứng chỉ giáo dục quốc phòng, chứng chỉ giáo dục thể chất nhưng đã hết thời gian tối đa được phép học, trong thời hạn 03 (ba) năm tính từ ngày phải ngừng học, được trở về Trường trả nợ để có đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Sau thời hạn trên Trường sẽ xét buộc thôi học theo quy định.

6. Sinh viên không tốt nghiệp được cấp giấy chứng nhận về các học phần đã học và đạt trong chương trình của Trường. Những sinh viên này nếu có nguyện vọng, được quyền làm đơn xin chuyển sang chương trình khác theo quy định tại Điều 49, Điều 50 của Quy chế này.