Điều 27. Phương pháp, nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá học phần
- Phương pháp kiểm tra, đánh giá bao gồm (nhưng không hạn chế): thuyết trình, trắc nghiệm (câu hỏi đúng sai, câu hỏi nhiều lựa chọn, câu hỏi so khớp, xếp thứ tự), tự luận (câu trả lời ngắn, câu hỏi đúng sai có giải thích, bài tập tình huống…), vấn đáp, tiểu luận, đề án, báo cáo chuyên đề và các phương pháp khác hoặc kết hợp giữa các phương pháp trên.
- Phương pháp, nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá học phần và trọng số của mỗi điểm thành phần phải được quy định cụ thể trong đề cương chi tiết học phần do Hiệu trưởng phê duyệt và được giảng viên công bố công khai cho sinh viên trước khi bắt đầu giảng dạy học phần.
- Nội dung kiểm tra, đánh giá học phần bao gồm: (i) Đánh giá quá trình và (ii) Đánh giá kết thúc học phần. Hiệu trưởng quy định cụ thể nội dung đánh giá quá trình và đánh giá kết thúc học phần tại quy chế riêng về kiểm tra, đánh giá học phần thuộc chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Ngoại thương.
- Hình thức đánh giá trực tuyến được áp dụng khi đảm bảo trung thực, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp, đồng thời đóng góp không quá 50% trọng số điểm học phần; riêng việc tổ chức bảo vệ và đánh giá đồ án, khóa luận được thực hiện trực tuyến với trọng số cao hơn khi đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:
a) Việc đánh giá được thực hiện thông qua một hội đồng chuyên môn gồm ít nhất 3 thành viên;
b) Hình thức bảo vệ và đánh giá trực tuyến được sự đồng thuận của các thành viên hội đồng và sinh viên;
c) Diễn biến của buổi bảo vệ trực tuyến được ghi hình, ghi âm đầy đủ và lưu trữ.
Hiệu trưởng quy định cụ thể nội dung đánh giá trực tuyến tại quy chế riêng về kiểm tra, đánh giá học phần thuộc chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Ngoại thương.
Điều 28. Tính điểm thành phần, điểm học phần
1. Điểm đánh giá bộ phận và điểm thi kết thúc học phần được chấm theo thang điểm 10 (từ 0 đến 10) và được làm tròn đến một chữ số thập phân.
2. Điểm học phần được tính từ tổng các điểm thành phần nhân với trọng số tương ứng, được làm tròn tới một chữ số thập phân và xếp loại điểm chữ như dưới đây, trừ các trường hợp được quy định tại điểm d khoản này.
a) Loại đạt có phân mức, áp dụng cho các học phần được tính vào điểm trung bình học tập, bao gồm:
A (8,5 – 10,0)
B (7,0- 8,4)
C (5,5 – 6,9)
D (4,0 – 5,4)
b) Loại đạt không phân mức, áp dụng cho các học phần chỉ yêu cầu đạt không tính vào điểm trung bình học tập:
P: từ 5,0 trở lên
c) Loại không đạt:
F: dưới 4,0
d) Một số trường hợp sử dụng các điểm chữ xếp loại, không được tính vào điểm trung bình học tập:
I: Điểm chưa hoàn thiện do được phép hoãn thi
X: Điểm chưa hoàn thiện do chưa đủ dữ liệu (chưa nhận được kết quả thi)
R: Điểm học phần được miễn và công nhận tín chỉ
3. Việc xếp loại các mức điểm A, B, C, D, F, X được áp dụng cho các trường hợp:
a) Những học phần mà sinh viên đã có đủ điểm đánh giá quá trình nhưng không tham gia dự thi không có lý do thì phải nhận điểm 0 cho bài thi cuối kỳ và được xếp loại điểm chữ là điểm X;
b) Chuyển đổi từ mức điểm I qua, sau khi đã có các kết quả đánh giá quá trình; Chuyển đổi từ các trường hợp được đánh giá mức X qua.
c) Việc xếp loại ở mức điểm F ngoài những trường hợp như quy định tại khoản 2 Điều này, còn áp dụng cho trường hợp sinh viên vi phạm nội quy thi, có quyết định phải nhận mức điểm F.
4. Việc xếp loại theo mức điểm I được áp dụng cho các trường hợp sau đây:
a) Trong thời gian học hoặc trong thời gian thi kết thúc học kỳ sinh viên bị ốm nặng hoặc gặp tai nạn dẫn đến không thể dự kiểm tra bộ phận hoặc thi, nhưng phải được giảng viên phụ trách học phần và đơn vị quản lý đào tạo cho phép;
b) Trừ các trường hợp bất khả kháng do Hiệu trưởng quy định, sau 1 năm học kể từ khi sinh viên nhận mức điểm I mà sinh viên không hoàn thành trả xong các nội dung kiểm tra bộ phận còn nợ để được chuyển điểm, điểm thi kết thúc học phần sẽ được đơn vị quản lý đào tạo chuyển thành điểm 0 và điểm I trong trường hợp này sẽ chuyển thành điểm X.
5. Việc xếp loại theo mức điểm X thực hiện đối với những học phần mà sinh viên chưa có đủ các đầu điểm hoặc sinh viên tự ý bỏ thi không có lý do.
6. Việc xếp loại mức điểm R được áp dụng cho các trường hợp sinh viên được công nhận tín chỉ và chuyển điểm từ trường khác đến hoặc công nhận điểm giữa các chương trình.
Điều 29. Trọng số điểm kiểm tra, đánh giá học phần
1. Đối với mỗi học phần, sinh viên được đánh giá qua 02 điểm thành phần, bao gồm:
a) điểm đánh giá quá trình: có trọng số tối đa 50%, được tính căn cứ vào một hoặc một số điểm đánh giá bộ phận sau: điểm kiểm tra thường xuyên trong quá trình học tập, điểm chuyên cần, điểm đánh giá nhận thức và thái độ tham gia thảo luận, điểm đánh giá phần thực hành, điểm thi giữa học phần, điểm tiểu luận,…
b) điểm đánh giá kết thúc học phần: có trọng số tối thiểu 50%, được thực hiện dưới nhiều hình thức thi kết thúc học phần (thi viết, trắc nghiệm, vấn đáp,…), bắt buộc cho mọi trường hợp.
2. Đối với các học phần đặc biệt:
a) Đối với học phần thực tập, học phần tốt nghiệp (Thực tập giữa khoá/ Chuyên đề cuối khóa/Khóa luận): Việc đánh giá kết quả học phần được quy định cụ thể trong đề cương chi tiết của học phần hoặc tại quy định về thực hiện học phần tốt nghiệp .
b) Đối với Học phần Giáo dục Quốc phòng – An ninh được đánh giá theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường công nhận kết quả Học phần GDQP từ các Trung tâm GDQP được Bộ Quốc phòng phân luồng.
c) Đối với Học phần Giáo dục thể chất điểm tổng hợp học phần được tính là theo thang điểm 10 và điều kiện để tính đạt là từ 5 điểm trở lên. Sinh viên được thi lại 1 lần nếu đủ điều kiện dự thi kết thúc học phần và không đạt điểm tổng hợp học phần từ 5 điểm trở lên.
d) Các học phần đặc biệt khác: việc lựa chọn hình thức đánh giá và trọng số điểm thành phần cũng như cách tính điểm tổng hợp đánh giá học phần do Bộ môn/Viện/Khoa đề xuất và được Hiệu trưởng phê duyệt trong Đề cương chi tiết học phần.
3. Sinh viên vắng mặt trong buổi thi, đánh giá không có lý do phải nhận điểm 0. Sinh viên vắng mặt có lý do chính đáng được dự thi, đánh giá ở một đợt khác và được tính điểm lần đầu.
4. Giảng viên phụ trách học phần trực tiếp ra đề kiểm tra và cho điểm đánh giá bộ phận. Việc ra đề thi, tổ chức thi, chấm bài thi kết thúc học phần thực hiện theo quy định của Trường.
Điều 30. Ra đề kiểm tra, đánh giá học phần
- Đề kiểm tra, đánh giá học phần phải phù hợp với nội dung giảng dạy của học phần đã được quy định trong đề cương chi tiết học phần. Nội dung đề thi phải đảm bảo cấu trúc đề thi kết thúc học phần đã được phê duyệt, đánh giá được chuẩn đầu ra học phần.
- Việc ra đề từ ngân hàng câu hỏi thi hoặc ra đề khi chưa có ngân hàng câu hỏi thi phải thực hiện theo các quy định cụ thể về nội dung, hình thức, thời gian thi tại quy chế riêng do Hiệu trưởng ban hành.
Điều 31. Tổ chức kiểm tra, đánh giá học phần
1. Việc tổ chức đánh giá quá trình được thực hiện theo kế hoạch giảng dạy đã quy định trong đề cương chi tiết học phần.
2. Thời gian tổ chức đánh giá kết thúc học phần được quy định như sau:
a) Đối với đại học chính quy: Cuối mỗi giai đoạn của các học kỳ, Trường sẽ tổ chức một kỳ thi chính thức để đánh giá kết thúc học phần và trong trường hợp cần thiết, Trường tổ chức thêm một kỳ thi phụ vào thời gian phù hợp.
b) Đối với hệ vừa làm vừa học: Việc đánh giá kết thúc học phần sẽ tổ chức theo hình thức thi từng học phần sau khi kết thúc giảng dạy hoặc theo hướng dẫn cụ thể của đơn vị quản lý đào tạo.
c) Thời gian dành cho ôn thi hết học phần tỷ lệ thuận với số tín chỉ của học phần đó và đảm bảo tối thiểu 2/3 ngày ôn thi cho 01 tín chỉ
3. Điều kiện và số lần dự thi cuối kỳ
Sinh viên chỉ được phép tham gia dự thi bài thi cuối kỳ nếu tham gia tối thiểu từ 80% số buổi trên lớp và có đầy đủ điểm đánh giá quá trình, các điểm này phải đạt từ 4/10 trở lên.
Sinh viên hình thức chính quy chỉ được phép tham gia thi học phần cuối kỳ 01 lần duy nhất.
Trường hợp không đạt trong lần thi đầu, sinh viên hình thức vừa làm vừa học được phép thi lại 01 lần để cải thiện điểm học phần. Trong trường hợp này, điểm học phần sau khi thi lại chỉ được giới hạn ở điểm C.
Hiệu trưởng quy định cụ thể điều kiện dự thi, số lần dự thi, điều kiện và thủ tục vắng thi tại quy chế riêng về kiểm tra, đánh giá học phần thuộc chương trình đào tạo trình độ đại học, sau đại học của Trường Đại học Ngoại thương.
Điều 32. Chấm bài kiểm tra, đánh giá, công bố điểm và giải quyết đề nghị xem xét điểm kiểm tra, đánh giá
- Việc chấm bài kiểm tra, đánh giá và công bố điểm quá trình do giảng viên được phân công phụ trách lớp học phần tổ chức thực hiện.
- Việc chấm bài thi đánh giá kết thúc học phần, nhập điểm thi, nộp điểm và công bố kết quả đánh giá kết thúc học phần được quy định cụ thể tại Quy chế kiểm tra, đánh giá học phần của Trường..
Điều 33. Đánh giá kết quả học tập theo học kỳ, năm học
1. Kết quả học tập của sinh viên được đánh giá sau từng học kỳ qua các chỉ tiêu sau:
a) Số tín chỉ của các học phần mà sinh viên đăng ký học vào đầu mỗi học kỳ đã được Trường chấp nhận (gọi tắt là khối lượng học tập đăng ký). Trong học kỳ, sinh viên bỏ học học phần nào đã đăng ký thì điểm tổng kết của học phần đó tính là điểm 0.
b) Điểm các học phần được quy đổi về thang điểm chữ theo quy định tại Điều 28 Quy chế này.
c) Điểm trung bình chung học kỳ là điểm trung bình có trọng số của các học phần mà sinh viên đăng ký học trong học kỳ đó, với trọng số là số tín chỉ tương ứng của từng học phần.
d) Khối lượng kiến thức tích lũy tức là khối lượng tính bằng tổng số tín chỉ của những học phần đã được đánh giá theo thang điểm chữ A, B, C, D tính từ đầu khóa học.
e) Điểm trung bình chung tích lũy là điểm trung bình chung của các học phần và được đánh giá bằng các điểm chữ A, B, C, D mà sinh viên đã tích lũy được, tính từ đầu khóa học cho tới thời điểm được xem xét vào lúc kết thúc mỗi học kỳ.
2. Để tính điểm trung bình, điểm chữ của học phần được quy đổi về điểm số như dưới đây:
A tương ứng với 4
B tương ứng với 3
C tương ứng với 2
D tương ứng với 1
F tương ứng với 0
3. Điểm trung bình học kỳ/năm học/tích lũy được xác định theo công thức sau và được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Trong đó:
M là điểm trung bình học kỳ/năm học /tích lũy
mi là điểm học phần thứ i
ni là số tín chỉ của học phần thứ i
N là tổng số học phần đăng ký và được duyệt của học kỳ/ năm học hoặc tổng số học phần đạt từ đầu khóa học đến thời điểm xét, trong đó:
– Điểm trung bình học kỳ/năm học được tính theo điểm học phần đã đăng ký học được duyệt ở học kỳ/năm học đó, bao gồm cả học phần không được dự thi hoặc vắng thi không có lý do.
– Điểm trung bình tích lũy được tính theo điểm cao nhất của học phần và chỉ tính những học phần đạt từ điểm D trở lên. (mi > 1 theo thang điểm 4).
4. Những điểm chữ không được quy định tại khoản 2 điều này không được tính vào các điểm trung bình học kỳ, năm học hoặc tích lũy. Những học phần không nằm trong yêu cầu của chương trình đào tạo không được tính vào các tiêu chí đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Điều 34. Xếp năm đào tạo và học lực
- Sau mỗi học kỳ căn cứ vào khối lượng kiến thức tích lũy (đã học đạt từ điểm D trở lên), sinh viên được xếp năm đào tạo như sau:
Được coi là:
– Sinh viên năm thứ nhất: Nếu có khối lượng kiến thức tích lũy dưới 35 tín chỉ
– Sinh viên năm thứ hai: Nếu có khối lượng kiến thức tích lũy từ 35 tín chỉ đến dưới 70 tín chỉ.
– Sinh viên năm thứ ba: Nếu có khối lượng kiến thức tích lũy từ 70 tín chỉ đến dưới 105 tín chỉ.
– Sinh viên năm thứ tư: Nếu có khối lượng kiến thức tích lũy từ 105 tín chỉ trở lên.
- Sinh viên được xếp loại học lực theo điểm trung bình học kỳ, điểm trung bình năm học hoặc điểm trung bình tích lũy (thang điểm 4) như sau:
Từ 3,60 đến 4,00 : Xuất sắc;
Từ 3,20 đến dưới 3,60: Giỏi;
Từ 2,50 đến dưới 3,20: Khá;
Từ 2,00 đến dưới 2,50: Trung bình;
Từ 1,00 đến dưới 2,00: Yếu;
Dưới 1,00: Kém.
Điểm trung bình chung học kỳ và điểm trung bình chung tích lũy (theo thang điểm 4) dùng để xét cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học cũng như xếp hạng học lực, xếp hạng tốt nghiệp của sinh viên tính theo kết quả điểm học phần của lần học có điểm học phần cao nhất.
Kết quả học tập trong học kỳ phụ được gộp vào kết quả học tập trong học kỳ chính ngay trước học kỳ phụ để xếp loại học lực của sinh viên.
Điều 35. Xử lý kết quả học tập theo tín chỉ
1. Cuối mỗi học kỳ chính, sinh viên được cảnh báo học tập dựa trên một số điều kiện như sau:
a) Tổng số tín chỉ không đạt trong học kỳ vượt quá 50% khối lượng đã đăng kí học trong học kỳ, hoặc tổng số tín chỉ nợ đọng từ đầu khóa học vượt quá 24 tín chỉ;
b) Điểm trung bình tích lũy đạt dưới 1,2 đối với sinh viên trình độ năm thứ nhất, dưới 1,4 đối với sinh viên trình độ năm thứ hai, dưới 1,6 đối với sinh viên trình độ năm thứ ba dưới 1,8 đối với sinh viên các năm tiếp theo.
c) Sinh viên không đăng ký học trong học kỳ xét kết quả học tập
2. Trường không xét cảnh báo học tập đối với sinh viên đã vượt quá thời gian học tập theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa.
3. Sinh viên bị buộc thôi học trong các trường hợp sau:
a) Bị cảnh báo kết quả học tập từ 02 học kỳ liên tiếp hoặc 03 học kỳ không liên tiếp trở lên
b) Vượt quá tối đa thời gian được phép học tập tại Trường theo quy định tại Điều 14 của Quy chế này
c) Bị kỷ luật lần thứ hai vì có hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 56 của Quy chế này.
Trong trường hợp sinh viên có lý do đặc biệt, việc buộc thôi học sẽ do Hội đồng xem xét và trình Hiệu trưởng quyết định.
4. Hội đồng và quy trình xét cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học
4.1 Hội đồng xét cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học gồm:
– Chủ tịch Hội đồng: Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo
– Ủy viên: Trưởng đơn vị quản lý đào tạo, Trưởng phòng Thanh tra- Pháp chế, Trưởng phòng CTCTSV, Trưởng phòng KHTC, Trưởng phòng HTQT, Trưởng các Viện/Khoa chuyên môn và một số ủy viên khác (nếu có).
Ngoài ra, Hiệu trưởng quy định cụ thể việc phân cấp, phân quyền, thành lập Hội đồng xét cảnh báo, buộc thôi học tại các cơ sở đào tạo khác của Trường.
4.2. Quy trình xét cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học:
– Căn cứ trên kết quả học tập trong học kỳ chính của sinh viên, đơn vị quản lý đào tạo phối hợp với Viện/Khoa/Bộ môn rà soát từng trường hợp cụ thể thuộc diện cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học và tổng hợp danh sách trình Hội đồng xét cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học của Trường;
– Hội đồng xét cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học của trường họp, xem xét và kết luận cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học đối với từng trường hợp cụ thể;
– Căn cứ vào kết luận của Hội đồng, đơn vị quản lý đào tạo tổng hợp kết quả và trình Hiệu trưởng ký Quyết định cảnh báo học tập, buộc thôi học;
– Trong thời hạn 02 tuần kể từ khi sinh viên có Quyết định cảnh báo học tập, đơn vị quản lý đào tạo phải gửi thông báo tới sinh viên qua địa chỉ email và tới cha mẹ/người giám hộ của sinh viên theo địa chỉ sinh viên đã đăng ký chính thức với Trường.
– Trong thời hạn 01 tháng kể từ khi sinh viên có Quyết định buộc thôi học, đơn vị quản lý đào tạo phải gửi thông báo tới sinh viên qua địa chỉ email và tới cha mẹ/người giám hộ của sinh viên theo địa chỉ sinh viên đã đăng ký chính thức với Trường. Sinh viên hình thức đào tạo chính quy thuộc các diện quy định tại Khoản a, b Mục 3 Điều này được quyền đề nghị chuyển sang hình thức đào tạo khác và được xem xét công nhận kết quả các học phần đã tích lũy ở hình thức đào tạo cũ sang hình thức đào tạo mới.