Quy chế đào tạo trình độ đại học (áp dụng cho Khóa tuyển sinh từ năm 2021 trở đi) của Trường Đại học Ngoại thương

0
12

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

  1. Quy chế này cụ thể hóa Quy chế chung về tổ chức và quản lý đào tạo trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Quy chế đào tạo đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), bao gồm: tuyển sinh và nhập học, lập kế hoạch và tổ chức giảng dạy, đánh giá kết quả học tập, công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ, học phần tốt nghiệp, xét và công nhận tốt nghiệp, những quy định khác đối với sinh viên.
  2. Quy chế này áp dụng đối với các khóa đào tạo tuyển sinh sau tháng 5 năm 2021 ở trình độ đại học của Trường Đại học Ngoại thương (sau đây gọi tắt là Trường), bao gồm cả hình thức đào tạo chính quy và hình thức đào tạo vừa làm vừa học. Các chương trình liên kết đào tạo do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng, các chương trình đào tạo từ xa được áp dụng theo các quy định riêng của Trường.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

  1. Sinh viên là người đã trúng tuyển, hoàn thành thủ tục nhập học, được Hiệu trưởng của Trường ra quyết định công nhận sinh viên.
  2. Viện/Khoa/Bộ môn chuyên môn là các Viện/Khoa/Bộ môn được giao quản lý chuyên môn của một hoặc một số chương trình/học phần.
  3. Đơn vị quản lý đào tạo tại Trụ sở chính Hà Nội là Phòng Quản lý đào tạo (đối với đào tạo chính quy), Khoa đào tạo trực tuyến và phát triển nghề nghiệp (đối với đào tạo vừa làm vừa học). Đơn vị quản lý đào tạo tại Cơ sở II-tp. Hồ Chí Minh và Cơ sở Quảng Ninh là Ban quản lý đào tạo. Các ban (quản lý) đào tạo tại các Viện/Khoa/Trung tâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ qui định tại quy chế tổ chức hoạt động.
  4. Giảng dạy trực tuyến (giảng dạy online) là phương thức giảng dạy mà giảng viên và sinh viên tương tác thông qua một nền tảng công nghệ trực tuyến (sử dụng internet) ở cùng một thời điểm nhằm giúp sinh viên đạt được chuẩn đầu ra của học phần, chương trình đào tạo.
  5. Đào tạo kết hợp (blended learning) là việc đào tạo kết hợp phương thức dạy – học truyền thống với phương thức dạy – học trực tuyến (e-Learning, là hình thức học tập qua đó người học có thể tự học mọi lúc, học mọi nơi thông qua các học liệu điện tử) nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo và tăng cường trải nghiệm của sinh viên.

Điều 3. Triết lý giáo dục

Triết lý giáo dục của Trường: Giáo dục hướng tới khai phóng, gắn với thực tiễn, nuôi dưỡng tính trung thực, tinh thần trách nhiệm và năng lực sáng tạo.

Điều 4. Hình thức đào tạo, phương thức tổ chức đào tạo

  1. Trường thực hiện đào tạo trình độ đại học theo hai hình thức: hình thức đào tạo chính quy và hình thức đào tạo vừa làm vừa học.
  2. Các chương trình đào tạo thuộc các hình thức đào tạo tại Trường được thực hiện theo phương thức tổ chức đào tạo theo tín chỉ, là phương thức tổ chức đào tạo theo từng lớp học phần, cho phép sinh viên tích lũy tín chỉ của từng học phần và thực hiện chương trình đào tạo theo kế hoạch học tập của cá nhân, phù hợp với kế hoạch giảng dạy của cơ sở đào tạo.

Điều 5. Học phần, tín chỉ

  1. Học phần là một tập hợp hoạt động giảng dạy và học tập được thiết kế nhằm thực hiện một số mục tiêu học tập cụ thể, trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng thuộc một phạm vi chuyên môn hẹp trong chương trình đào tạo. Học phần có khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện cho sinh viên tích lũy trong quá trình học tập. Phần lớn học phần có khối lượng từ 2 đến 4 tín chỉ; nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn và được phân bố đều trong một học kỳ (trừ các học phần đặc biệt). Kiến thức trong mỗi học phần phải gắn với một mức trình độ theo năm học thiết kế. Từng học phần được ký hiệu bằng một mã riêng do Trường quy định.
  2. Tín chỉ là đơn vị xác định khối lượng học tập của chương trình đào tạo, của mỗi thành phần hoặc của mỗi học phần trong chương trình đào tạo.
  3. a) Một tín chỉ được tính tương đương 50 giờ học tập định mức của sinh viên, bao gồm cả thời gian dự giờ giảng, giờ học có hướng dẫn, tự học, nghiên cứu, trải nghiệm và dự kiểm tra, đánh giá;
  4. b) Đối với hoạt động dạy học trên lớp, một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết, kiểm tra, giao và hướng dẫn đề tài thảo luận/dự án thực hành; 30 – 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận. Để tiếp thu được một tín chỉ, sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân. Một tiết học trên lớp được tính bằng 50 phút.
  5. c) Đối với các hoạt động dạy học khác, một tín chỉ được quy định bằng 50 – 90 giờ thực tập tại cơ sở; hoặc 50 – 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc thu hoạch thực tập/khóa luận tốt nghiệp.

Điều 6. Các loại học phần

1. Học phần bao gồm các loại sau:

a) Học phần bắt buộc là những học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu của mỗi chương trình và bắt buộc sinh viên phải tích lũy.

b) Học phần tự chọn là những học phần chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết nhưng sinh viên được tự chọn theo hướng dẫn nhằm đa dạng hóa hướng chuyên môn hoặc được lựa chọn tùy ý để tích lũy đủ số học phần quy định cho mỗi chương trình.

– Học phần tự chọn theo nhóm: là học phần chứa đựng những mảng nội dung chính yếu của ngành hay chuyên ngành đào tạo, mà sinh viên bắt buộc phải chọn một số lượng xác định trong nhóm bao gồm một số học phần tương đương được quy định cho ngành hoặc chuyên ngành đó.

– Học phần tự chọn tự do: là học phần sinh viên có thể tự do đăng ký học hay không tùy theo nguyện vọng. Kết quả tích lũy của sinh viên được ghi nhận tại Phụ lục văn bằng.

c) Học phần tiên quyết: là học phần mà sinh viên bắt buộc phải tích lũy trước khi đăng ký học học phần tiếp theo.

d) Học phần tích lũy: là học phần đã có kết quả cuối cùng của học phần đạt từ điểm 4 trở lên (theo thang điểm mười) hay những học phần được đánh giá A, B, C và D (theo thang điểm chữ). Tổng số tín chỉ của các học phần này tính từ lúc bắt đầu khóa học đến thời điểm xét, gọi là số tín chỉ tích lũy hay khối lượng kiến thức tích lũy.

e) Học phần tương đương và học phần thay thế

Học phần tương đương là một hay một nhóm học phần thuộc chương trình đào tạo của một khóa, ngành/chuyên ngành khác đang tổ chức đào tạo tại Trường được phép tích lũy để thay cho một hay một nhóm học phần trong chương trình đào tạo của ngành/chuyên ngành đào tạo. Học phần tương đương phải có nội dung giống ít nhất 80% và có số tín chỉ tương đương hoặc lớn hơn so với học phần xem xét.

Học phần thay thế được sử dụng thay thế cho một học phần có trong chương trình đào tạo nhưng nay không còn tổ chức giảng dạy nữa hoặc là một học phần tự chọn thay cho một học phần tự chọn khác mà sinh viên đã thi không đạt kết quả (nhận điểm F).

Các học phần tương đương hay nhóm học phần tương đương hoặc thay thế do viện/khoa/bộ môn chuyên môn đề xuất và được Hội đồng chuyên môn xét công nhận, chuyển đổi tín chỉ xem xét, công nhận là các học phần bổ sung cho chương trình đào tạo trong quá trình thực hiện. Học phần tương đương hoặc thay thế được áp dụng cho tất cả các khóa, các ngành/chuyên ngành hoặc chỉ được áp dụng hạn chế cho một số khóa, ngành/chuyên ngành.

f) Học phần đặc biệt: bao gồm học phần Giáo dục Quốc phòng – An ninh, Giáo dục thể chất, học phần tốt nghiệp, và các học phần khác do Hiệu trưởng quy định.

2. Sinh viên không đạt một học phần bắt buộc sẽ phải học lại học phần đó hoặc học một học phần tương đương theo quy định trong chương trình đào tạo, hoặc học một học phần thay thế nếu học phần đó không còn được giảng dạy; Sinh viên không đạt một học phần tự chọn thuộc phạm vi tích luỹ của CTĐT sẽ phải học lại học phần đó hoặc có thể chọn học một học phần tự chọn khác theo quy định trong chương trình đào tạo.

Điều 7. Thời gian hoạt động giảng dạy

  1. Đối với hình thức đào tạo chính quy, thời gian hoạt động giảng dạy thường xuyên hàng ngày của Trường được tính từ 6 giờ đến 20 giờ các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7; thời gian tổ chức những hoạt động đặc thù của chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo.
  2. Đối với hình thức vừa làm vừa học, thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy linh hoạt trong ngày và trong tuần.